Tại chương trình lễ hội Vietnam Phở Festival được tổ chức tại Nhật Bản nhân dịp Kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao mới đây,ànhtrìnhquảngbáphởcủachàngtraiViệttrênđấtNhậgearvn dù khá áp lực về thời gian vì đây là giai đoạn chuẩn bị cho kế hoạch du học nhưng Kỳ Vĩ vẫn thu xếp thời gian tiếp tục đồng hành với các hoạt động quảng bá phở Việt đến người Nhật và cả người Việt đang sinh sống, học tập ở xứ xở hoa anh đào.
Trải nghiệm phở Việt trên đất Nhật
Ngay khi đặt chân đến Nhật Bản, địa chỉ đầu tiên Kỳ Vĩ ghé thăm chính là quán phở Trung ở Tokyo, địa điểm quen thuộc của kiều bào nơi đây. Chàng trai đến từ TP.HCM thật sự ấn tượng với hương vị phở bắc đậm đà, hòa trộn với sự tươi mới của hương vị phở nam với đầy đủ gia vị ăn kèm không thể thiếu: tỏi chua, tương đen…
"Nước dùng ngọt thanh, hậu vị đậm đà hòa quyện cùng bánh phở dai… tạo nên món ăn quốc dân đặc sắc giữa đất nước mặt trời mọc" - Kỳ Vĩ nhận xét và hiểu vì sao phở Trung trở thành điểm hẹn của đông đảo kiều bào mỗi khi muốn tìm về món ăn gợi nhớ quê nhà. “Thích và tìm hiểu về phở nhiều năm qua, tôi hiểu rằng để tạo được đúng món phở truyền thống, quán phải kỳ công mang đầy đủ từng loại nguyên liệu từ Việt Nam sang Nhật. Không gian quán cũng được bài trí rất Việt Nam nên cảm giác thưởng thức phở ở nước bạn theo phong cách phở Trung vừa quen mà vừa lạ. Để duy trì hương vị độc đáo này giữa nước Nhật trong suốt hơn 10 năm qua quả là một sự nỗ lực bền bỉ, thể hiện tình yêu đặc biệt với ẩm thực quê hương” - Kỳ Vĩ chia sẻ.
Theo chàng trai trẻ, đến với Vietnam Phở Festival, em có cơ hội khám phá muôn vàn hương vị phở độc đáo, biến tấu đa dạng từ công thức - sự kết hợp nguyên liệu sáng tạo, ấn tượng trong cả nước dùng lẫn bánh phở… Trò chuyện với các nghệ nhân nấu phở, Kỳ Vĩ không giấu được cảm xúc ngạc nhiên và khâm phục sự kỳ công trong công tác tổ chức, vận chuyển và chuẩn bị nguyên vật liệu, hậu cần... để tạo nên những bát phở đậm đà, vẹn nguyên hương vị ngay trên đất nước Nhật Bản. Không chỉ với cá nhân Kỳ Vĩ, hàng chục nghìn kiều bào, du khách đều trầm trồ thán phục trong sự kiện: Làm sao để có thể nấu được những tô phở ngon, không khác gì đang thưởng thức tại Việt Nam? Có lẽ câu trả lời đơn giản mà thuyết phục nhất chính là nhờ tình yêu, niềm đam mê đối với ẩm thực Việt nói chung và với phở - món ăn quốc hồn quốc túy nói riêng.
"Tại chuỗi sự kiện Vietnam Phở Festival, em đã có cơ hội thử rất nhiều loại phở nổi tiếng khác nhau: Phở Thìn Bờ Hồ, Phở Hai Thiền, Phở Saco…" - Kỳ Vĩ hào hứng kể. Trực tiếp có mặt trong một lễ hội phở đầu tiên được tổ chức ở nước ngoài, thưởng thức từng hương vị phở đậm đà “không khác gì ở Việt Nam”, chàng trai có mối lương duyên đặc biệt với phở không ngần ngại giới thiệu tường tận mỗi gian hàng với những người bạn quốc tế mới quen. Chứng kiến đông đảo học sinh, công chức, người dân Nhật kiên nhẫn xếp thành những hàng dài chỉ để mua được phiếu ăn phở, háo hức chờ đợi thưởng thức và trầm trồ ngạc nhiên trước mỗi trải nghiệm khác nhau ở mỗi gian hàng… Vĩ cảm nhận trọn vẹn niềm tự hào khi thấy món ăn Việt Nam được đón nhận không khác gì “mĩ vị nhân gian”.
Học nấu phở để nấu cho bạn bè nước ngoài ăn khi đi du học
Thuộc thế hệ trẻ được khai sinh trong những năm 2000, Nguyễn Kỳ Vĩ tự nhận mình may mắn được đi nhiều nơi, tiếp xúc với muôn vàn món ngon vật lạ của các nước trên thế giới. Mỗi món ăn mới gắn với câu chuyện sáng tạo ẩm thực độc đáo của mỗi dân tộc. Mỗi đất nước, mỗi chuyến đi… đều là cơ hội để Vĩ có thêm hiểu biết, góc nhìn về thế giới xung quanh.
Thế nhưng, Kỳ Vĩ thừa nhận “có một tình yêu đặc biệt dành cho ẩm thực Việt". Chàng trai trẻ giải thích, trò chuyện với nhiều đầu bếp về các loại bánh phở từ phở thường, phở ngô đến phở sắn với mùi vị và giá trị dinh dưỡng, sức khỏe khác biệt, em thật sự ngạc nhiên trước những biến tấu đa dạng mà vẫn rất khoa học, tốt cho sức khỏe. "Trong đó, em ấn tượng nhất là phở ngô, một loại bánh phở có rất ít carb so với phở thông thường, sẽ là lựa chọn lý tưởng cho những người đang có ý định ăn kiêng nhưng vẫn muốn trải nghiệm phở”, cậu nói.
Đang tất bật chuẩn bị những thủ tục quan trọng cho hành trình du học sắp tới, Kỳ Vĩ cũng tranh thủ học nấu ăn, đặc biệt là phở để "bớt nhớ quê hương và có điều kiện quảng bá ẩm thực Việt Nam với bạn bè nước ngoài học cùng em".
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về tình yêu với phở, chàng trai trẻ kể, khi còn bé, mỗi sáng ba đều chở em ra quán phở trước khi đi học. Ấn tượng với vị đậm đà của nước phở, em đã chọn phở làm món ăn sáng gần như mỗi ngày của mình trong suốt nhiều năm.
Lớn hơn một chút, khi biết nhiều hơn về ẩm thực, Kỳ Vĩ nhận ra không chỉ có một loại phở mà em thường hay ăn, mà thực tế phở rất phong phú. Điều này khiến em tò mò và tìm cách trải nghiệm sự đa dạng của phở. "Mỗi một quán ăn ở Việt Nam là một cách nấu phở khác nhau. Điều này giúp cho sự mới mẻ của phở không bao giờ bị mất đi dù ăn cùng một món ăn" - Vĩ nói.
Theo Kỳ Vĩ, ẩm thực là cánh cửa gần nhất để chia sẻ với bạn bè năm châu. Anh chàng cười rất tươi khi bộc bạch về dự định tương lai đối với niềm đam mê ẩm thực: “Em vẫn sẽ dùng cách riêng của mình để giới thiệu món ăn, đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè tại nơi em đến học tập và sinh sống. Biết đâu, một ngày nào đó, những người bạn nước ngoài tại nơi em học có thể được thưởng thức món phở Việt do chính tay em nấu”.
Năng động, tự tin, giỏi tiếng Anh, có thể nói những nhân tố như Vĩ là cầu nối của thế hệ trẻ để đưa những món ăn truyền thống lẫn các giá trị văn hóa của người Việt lan tỏa ra thế giới.